(Tranh Hasui Kawase)
Từ bài thơ CÕI SỐNG CỦA THƠ (gồm ba khúc: Thơ Tự Hát Thôi, Thơ Hát Trong Cỏ và Cái Đẹp Tìm Thơ) Đinh Trần Phương (nhà thơ hài cú, tiến sĩ vật lý từ Pháp về) đã dựa vào tam khúc ấy để diễn giải thi tưởng của Nhật Chiêu theo cái nhìn của Đinh Trần Phương, người đã dịch Hoa Truyền Thư của Zeami, Kịch Nô và vài tác phẩm Phương Tây. Cafe Với NC xin giới thiệu toàn văn bài viết của ông.
(Lời giới thiệu lấy từ trang Cafe với Nhật Chiêu)
1. Thơ tính
Văn chương nói chung và thơ ca nói riêng của phương Tây có thể coi là đi ra từ hai bộ sử thi Iliad và Odyssey, những tác phẩm lâu đời nhất của văn chương Hy Lạp cổ đại, có văn bản xuất hiện từ khoảng thế kỷ VIII trước Công Nguyên. Và như Donald Keene nhận xét, quan niệm về thơ ca của phương Tây kể từ thời Homer là “thiên thần nói qua thi sĩ: thi sĩ chỉ là một trung gian được ám thị và thác lời thần linh”. Còn trên xứ sở Phù Tang, Vạn Diệp Tập (Manyōshū) là hợp tuyển thơ ca vĩ đại đầu tiên, ra đời vào thế kỷ VIII, gồm hơn 4500 bài thơ, của cả những thi sĩ tiếng tăm lẫn những người bình thường hay khuyết danh. Nhà thơ lớn nhất của Nhật Bản thời đó là Hitomaro đã phát triển khái niệm ngôn linh (kotodama) và thể hiện nó qua những vần thơ của mình. Trong niềm tin Thần đạo, chẳng những thiên nhiên có linh hồn mà cả ngôn từ của con người cũng vậy. Không còn mượn lời của thi sĩ nữa, thần linh trú ngụ trong ngôn từ, trong thơ ca. Cái nhìn này tuy đã rộng rãi hơn nhưng dẫu sao thần linh vẫn là đồng chủ thể tạo tác, thần linh hiện hữu vào thơ.
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng đến với lập ngôn thứ nhất này về thơ ca. Hãy cứ để thần linh tạo ra vạn vật, gọi tên cho sự vật và thổi hồn vào thế giới: hơi thở của cái chết và tình yêu. Cả cái đẹp nữa, hãy cứ là thần linh tạo tác cho con mắt của thế gian. Nhưng còn thơ ca, phải chăng mọc lên từ sự chết và yêu ấy, hẳn do con người và vạn vật sáng tạo nên. Bởi lẽ chỉ con người và vạn vật mới trải nghiệm chết và yêu, còn ở thần linh, trải nghiệm về hai lực ấy là không trọn vẹn vì họ bất tử hoặc không trực cảm chúng.
Ham muốn của thi sĩ
cùng lúc thấy tình yêu-cái chết
và chàng đã ngoái đầu
Hơn thế, thơ ca muốn là thơ ca thì phải rung cảm, phải là cái gì đó không ngờ, không ngờ cả với người thơ, vật thơ, lẫn thần linh không ngoại lệ. Bởi vậy mà thơ ca là lời đầu tiên được phát ra, trổ lên từ âm giai của vạn vật và hồn người, không còn do bàn tay của thần linh tạo tác nữa. Bởi vậy mà ở con người và trong vạn vật có thơ tính. Thơ tính ấy là gì nếu không phải khả tính thành thơ, giống như Phật tính là khả tính thành Phật, nhưng nói như vậy là một sự trùng ngôn. Không thể có một định nghĩa chính xác và cụ thể cho thơ tính ấy, nhưng ta vẫn nhìn thấy những khía cạnh, yếu tố khác nhau của nó. Nó rút nhựa chất của ngôn từ để khai lộ nguyên sơ (gọi tên sự vật, kế thừa khả tính của thần linh), để tương tức tương thôi (vạn vật cùng nhau là và thôi thúc lẫn nhau), và để cảm thán (ngạc nhiên, tự hỏi, kỳ diệu). Là con người và vạn vật tự ca hát. Là thơ tự hát thôi. Và khi thần linh một lần nghe ra thơ thì trong thần linh cũng đã chứa đựng thơ tính. Từ đó mà thần linh nhập được vào thế giới một cách trọn vẹn. Thơ ca là cây cầu bắc nối thần, người và vật.
THƠ TỰ HÁT THÔI
Thần linh
thở buồn vào núi
ta nghe
ờ ta nghe mà
Thần thở cả vui vào sóng
vào bước xuân thì em qua
Thần linh
bao lần lãng đãng
phàm thiêng
đâu cũng như nhà
Thần rắc
giọt mưa giọt nắng
giọt tình
mới đẫm phong ba
Thần chợt nghe
thơ cất tiếng
từ đâu mà
thơ ra đời
từ tuôn suối nguồn
động biển
Thần ơi
thơ tự hát thôi
(Nhật Chiêu)
2. Cõi thơ
Vậy trú xứ của thơ là đâu?
Tsurayuki, trong bài tựa bất hủ cho Cổ Kim Tập (Kokinshū) vào thế kỷ X, đã viết: “Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca Nhật Bản mọc lên và nảy nở thành vô số lá cây của ngôn từ. Bởi con người hào hứng với bao điều mắt thấy tai nghe, họ tìm cách thể hiện những cảm xúc trong trái tim mình qua thơ ca. Khi nghe dạ oanh hát trong hoa và ếch nhái trong nước kêu vang, ai lại không thấy là mọi sinh vật đều phát tiết thơ ca?”. Ta bắt gặp cùng tư tưởng ấy ở Nguyễn Du với câu kết bài Thôn Dạ trong Thanh Hiên Thi Tập: “Tiếu ngạo hồ yên dã thảo trung”. Cười ngạo trong sương khói của mặt hồ và cỏ nội, ấy là cái cười thiền trong những điều bình dị, trong như nhiên tính, là tiếng cười hiền minh của thơ ca, ngân vang xuyên thời-không từ Đông sang Tây trong Vạn Diệp Tập (mười ngàn chiếc lá) hay trong Lá Cỏ (Leaves of grass, 1855) của Whitman. Bởi vậy, cõi thơ được dựng nên từ thế giới của trái tim, của ngôn từ, và của côn trùng lá cỏ, tức vạn vật vô sai.
Thế giới sự vật-hình ảnh hiện ra, liên tục trôi đi và quy hồi, trong khi thế giới ngôn từ lại mang tính trừu tượng và ý niệm, có độ ì, ẩn. tàng và khả sinh. Còn tâm hồn thì vừa lang bạt, lướt qua, vừa chú mục, rung động. Cõi thơ vì vậy mênh mông mà nhập thể, tức là thơ ca nhập vào từng sự vật-hình ảnh-ngôn từ-tâm hồn cụ thể mà ngân nga. Cõi thơ vì vậy ẩn huyền, ở khắp mọi nơi nhưng khó thấy, thơ đợi chờ con mắt, thơ đợi chờ người ca.
Trong khóe mắt hồ
bóng hư không nở
nhành thủy tiên mơ
“Tiếu ngạo hồ yên dã thảo trung” thực chất còn là hình ảnh thi hóa. cho ý niệm mỹ học của Heidegger về Cõi sống (Welt) và Đất (Erde) trong Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải):
“Khi một tác phẩm là tác phẩm thì nó dọn ra một không gian cho tính không gian ấy. (…) Tác phẩm, với tư cách là tác phẩm, dựng lên một Cõi sống. Tác phẩm giữ cho sự mở ngỏ của Cõi sống được mở ngỏ. (…) Chỗ mà tác phẩm thu mình về và làm cho tác phẩm xuất hiện ra trong sự tự-thu-mình-về ấy, ta gọi đó là Đất. Đất là cái xuất hiện và chở che. Đất là cái tự tồn không mệt mỏi và không biết. mệt mỏi. (…) Khi tác phẩm dựng lên một Cõi sống, nó tạo ra, sản xuất ra Đất (…) Tác phẩm đẩy bản thân Đất vào trong sự mở ngỏ. của một Cõi sống và giữ nó ở đó. Tác phẩm để cho Đất tồn tại như là Một Đất. (…) Việc dựng lên một Cõi sống và việc chế tạo ra Đất là hai nét cơ bản trong sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm. Nhưng, cả hai đều cùng thuộc về sự thống nhất của sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm. (…) Cõi sống, trong khi đặt nền trên Đất, nỗ lực vượt lên Đất. Là cái gì tự phơi mở, nó không dung dưỡng cái gì bị khép kín. Trong khi đó, là cái gì chở che, Đất luôn có xu hướng ôm trọn Cõi sống vào bên trong mình và giữ yên Cõi sống trong đó. (…) Cuộc tranh chấp càng quyết liệt ở mỗi phía thì các bên tranh chấp càng kiên quyết đi vào trong sự gắn bó của việc đơn giản thuộc về nhau. Đất không thể thiếu cái khai mở của Cõi sống, nếu bản thân nó muốn xuất hiện ra như là Đất trong sự thôi thúc được giải tỏa của việc tự khép kín mình. Đến lượt mình, Cõi sống cũng không thể rời bỏ Đất để nổi trôi đâu đó, nếu nó muốn tự đặt mình trên một cái gì chắc chắn, để thể hiện mình như là cái bề rộng cai quản tất cả và như là thông lộ cho toàn bộ vận mệnh căn cơ”.
Hiểu một cách tương đồng, sự vật-hình ảnh-ngôn từ-tâm hồn là. Đất, và thơ là Cõi sống của văn bản một bài thơ. Nhưng hai đối cực. hợp nhất.
THƠ HÁT TRONG CỎ
Ẩn mình
em hát trong chiều
như một
giấc mơ biết hát
chiếc lá thu nào em nhặt
là ta đi lạc đìu hiu
câu hát
ẩn mình trong ngấn
lệ buồn
rơi âm giai mi
làn thơ
ẩn mình trong mái
tóc buồn
chải xuống pha si
Ẩn mình
thơ hát trong cỏ
ngân nga
cánh gió côn trùng
em nghiêng đôi bờ ngực nhỏ
mà rung mãi nhịp không trung
(Nhật Chiêu)
3. Lực thơ
Cái nhìn quán tính là thơ tìm cái đẹp, nhưng một cách đủ đầy, phải hiểu rằng cái đẹp cũng bị hút về phía thơ, tìm đến thơ để trở nên hữu hình, để được gọi thành tên. Và khi ấy, giống như thần linh hợp nhất với thế gian, cái đẹp cũng sẽ hợp nhất cùng thơ.
Dục vọng của chùm nho
nếm vị mọng trần thế
nơi bờ môi con người
Cõi thơ nâng đời sống lên, đồng thời giúp cho đời sống biết cúi xuống với cỏ cây côn trùng. Ở cả hai chiều, thơ thể hiện tính nhẹ. Là cái nhẹ chuyên chở hết thảy đời sống, như con thuyền không chở vạn pháp. Như ba bài thơ của Nhật Chiêu chở những lập ngôn sâu thẳm về thơ, về tình, mà tác giả muốn gọi đó là tuyên tình, bằng cái nhẹ của thơ.
CÁI ĐẸP TÌM THƠ
Cái đẹp tìm thơ mê mải
như ai tìm ai đó giờ
khi em tìm em đâu đấy
trong đáy hồ xanh
của thơ
bởi mây tìm trời vô tận
và bay ngơ ngẩn thiên thu
bởi tình vẫn đi tìm tứ
đẩy thuyền em tới
viễn du
bởi xưa tìm nay cõi sống
mà em đẹp lên từng mùa
ly rượu em cầm đỏ mọng
tìm môi em thấm
xuân tơ
(Nhật Chiêu)
Như Suzuki nhận xét: “Đời sống là một đại nghịch lý”, thơ ca trả lại chức năng nghịch lý cho ngôn từ để ngôn từ được sống và được tươi mới. Như mỗi sinh thể sống cuộc đời của mình một cách trọn vẹn, như Chúa trời nhập thể vào Chúa hài đồng sinh ra trên máng cỏ để con mắt thế gian có thể nhìn thấy, thơ ca nhập thể vào từng sự vật, từng hình ảnh, từng lời, từng tâm hồn cho chúng hiện lên. Lời được thả lỏng và hình ảnh được nghịch hiện để mà hợp nhất sắc tình và triết lý trong thơ ca của Nhật Chiêu.
Đinh Trần Phương